Ivan W. Kelly
Đại học Saskatchewan, Canada
Đây là phiên bản mở rộng năm 2001 của bài báo xuất bản trong Psychological Reports (Bản tin Tâm lý học) năm 1997, 81, 1035-1066.
Bản cập nhật năm 2005 này có một vài bổ sung nhỏ, hoàn thiện hơn các đề mục và phân nhóm.
__
Tóm lược: Hầu hết những bài phê bình nghiên cứu đều quan tâm đến kết quả thực nghiệm. Bài viết này gộp lấy ý tưởng chủ đạo của chiêm tinh, tư tưởng căn nguyên của nó, và trình bày chúng dưới suy tưởng phê bình. Phạm vi của nó bao gồm những thay đổi gần đây trong các tư tưởng về chiêm tinh, cách các chiêm tinh gia đối phó với những lời chỉ trích, cũng như những vấn đề liên quan đến các tiền đề cơ bản của chiêm tinh học, nguồn gốc của những tư tưởng chiêm tinh, chiêm tinh tâm lý hiện đại, thế giới quan của chiêm tinh học, biểu tượng chiêm tinh, tính không thể kiểm nghiệm của nó cùng với sức ảnh hưởng kỳ diệu. Để trở nên xác đáng, chiêm tinh học cần những tư tưởng hợp lý và cơ sở vững chắc, cùng những phương pháp đúng đắn để kiểm nghiệm các tư tưởng ấy. Nhưng không tiềm tàng một cơ sở nào cho thấy những tư tưởng chiêm tinh là xác đáng (dù là sự soi rọi của tôn giáo, năng lực siêu nhiên, tính tương đồng, cơ sở quan sát hay lý luận). Chiêm tinh gia có thể giải thích cho việc diễn giải sai lệch một bản đồ sao bằng cách đổ lỗi cho tính biểu tượng, sự đa dạng nhân tố trong bản đồ sao, phương pháp phân tích, dữ liệu, hoặc chính chiêm tinh gia hay khách hàng. Họ cũng có thể bỏ qua diễn giải đúng vì nhận thức sai lầm (các diễn giải đã từng mang ý nghĩa như sự kiện bên ngoài, giờ đây nó mang ý nghĩa như một diễn biến tâm lý). Vậy nên chiêm tinh gia không bao giờ có thể biết được liệu chiêm tinh học đúng hay sai, hay lý thuyết luận giải của họ nên áp dụng như thế nào. Tư tưởng trọng yếu như “thiên địa đồng nhất”, khái niệm “tương liên”, cùng “toàn thể bản đồ sao” được khai triển một cách quá nghèo nàn để có thể biểu lộ được thứ gì có ích. Có rất ít sự đồng thuận về những vấn đề cơ bản và về việc làm cách nào để giải quyết sự khác biệt giữa các phương pháp và tư tưởng chiêm tinh. Biểu tượng chiêm tinh không được hệ thống hoá mà dựa trên hình ảnh ẩn dụ, sự tương đồng, liên tưởng từ ngữ cùng thần thoại, những điều này được khai triển theo các cách khác nhau bởi các chiêm tinh gia mà không hề có đường lối rõ ràng để phỏng đoán. Triết lý và thế giới quan được chiêm tinh học kết hợp thì non xanh hoặc được mô tả một cách xoàng xĩnh. Hệ quả là chiêm tinh học không có, và sẽ không bao giờ có, tiềm lực để đưa triều đại của nó vào hệ thống. Chiêm tinh học dường như khá khó khăn trong việc truyền tải bất cứ điều gì mà những nhân tố ngoài chiêm tinh có thể giải thích (hay nói rõ hơn chính là định kiến về nhận thức và kinh nghiệm). Bài viết này bao gồm trích dẫn từ những chiêm tinh gia hàng đầu và gần 250 tài liệu tham khảo.
Bài phê bình về ý tưởng chủ đạo của chiêm tinh học hiện đại này khá dài và chi tiết. Đầu tiên là nhận thức về tư tưởng chủ đạo mơ hồ, những thay đổi gần đây trong tư tưởng chiêm tinh và các chiêm tinh gia tránh né đối mặt với những lời nhận định như thế nào. Tiếp theo, bài viết suy xét về các vấn đề liên quan đến tiền đề cơ bản của chiêm tinh học, nguồn gốc của những tư tưởng chiêm tinh, chiêm tinh tâm lý hiện đại, thế giới quan của chiêm tinh học, biểu tượng chiêm tinh, tính không thể kiểm nghiệm của nó cùng với sức ảnh hưởng kỳ diệu. Kết luận của tôi chính là tư tưởng cốt lõi của chiêm tinh đang có vấn đề nghiêm trọng từ đầu đến cuối, và rằng chiêm tinh học sẽ không bao giờ có đủ tiềm lực để đưa triều đại của nó vào hệ thống.
Từ thời Newton, quan điểm của các chiêm tinh gia và các nhà khoa học ngày càng không cùng chiến tuyến. Các chiêm tinh gia ngày nay vẫn cho rằng sự kết nối giữa bầu trời và những hiện tượng trần thế là một sự kết nối mạnh mẽ, thấu suốt bầu trời cho phép chúng ta giải thích và/hoặc tiên đoán những gì xảy ra ở trần gian. Tuy nhiên điều này vấp phải sự phản đối của các nhà khoa học cũng như triết học. Các ngành khoa học nghiên cứu về trái đất và vũ trụ, bao gồm cả khoa học tự nhiên và khoa học xã hội, mặc dù quan tâm không ít đến các mối quan hệ ngoài không gian với những sự kiện thế tục, cũng không cho thấy bất kỳ sự ủng hộ nào đến các lĩnh vực được tán thành bởi các chiêm tinh gia (xem Kelly & Dean 2000). Ghi chú 1
Nhắc nhở đến độc giả: Ghi chú không cần thiết phải được viện dẫn đến ngay sau sự xuất hiện của chúng. Những ghi chú này có thể được đọc toàn bộ một cách thuận tiện, và không mất đi sự xác đáng nào, sau khi bạn đã đọc xong bài viết chính.
Hơn thế nữa, các biểu tượng, thần thoại, sự tương đồng, phép ẩn dụ, và các liên kết ngôn từ trụ dưới những nhận định chiêm tinh mang đầy những vấn đề về phương pháp luận. Một trong chúng là, phần lớn tri thức của chiêm tinh mâu thuẫn với những gì chúng ta đã khám phá được về hệ mặt trời. Sao Kim được liên kết với mỹ học, tình yêu, và cảm giác hài hoà của một cá nhân. Tuy nhiên, bây giờ chúng ta biết được rằng sao Kim giống như cõi âm ty với nhiệt độ cao bất thường, phong cảnh toàn dung nham bao phủ và những đám mây dày đặc axit sulfuric. Nó thậm chí còn nóng hơn sao Thủy, mặc dù xa gấp đôi từ mặt trời.
Điểm đáng nói là hầu hết các biểu tượng chiêm tinh được chiêm tinh gia thời nay sử dụng được tạo ra trong thời gian mà nhà thiên văn học lẫn chiêm tinh gia chưa biết gì về các đặc tính vật lý của các hành tinh. Rất ít sự đồng thuận toàn cầu về nguyên lý trung tâm của chiêm tinh học, nên hãy chỉ tìm sự đồng thuận trong việc làm cách nào để giải quyết những vấn đề của nó. Khảo sát về nghiên cứu chiêm tinh học đến nay không cung cấp được bằng chứng rằng chiêm tinh học thật sự hiệu quả, ít nhất là ngoài phạm vi nhận định của một nhà chiêm tinh học.
Tất nhiên, mỗi khi chúng ta thức dậy dưới ánh nắng mặt trời, tổ chức tiệc nướng vào những đêm trăng sáng, câu cá vào lúc thuỷ triều dâng cao, là những lúc chúng ta thấy rõ tác động của những thiên thể lên cuộc sống hằng ngày của chúng ta. Nhưng điều này thật sự khác biệt so với kết nổi mang tính biểu tượng theo cách nói của các chiêm tinh gia. Những băng tần khác của mối quan hệ có thể tồn tại và khoa học thì hiển nhiên đón nhận những khám phá bất ngờ (bao gồm tác động của thiên thể lên hành vi của con người). Nhưng trong các ngành khoa học, tiền nhân và những người có thẩm quyền không được tôn sùng như trong chiêm tinh học. Chiêm tinh gia, nói chung, có thể được mô tả như những người không hứng thú lắm đến việc khám phá ra sự thật trong những gì mà họ quyết đoán, họ hứng thú hơn đến chuyện tạo ra những lời giả định thừa được công nhận từ trước đó (xem những tạp chí như The Mountain Astrologer hay những trang web chiêm tinh như Stariq 2000).
Leahey & Leahey (1983) nhận thấy rằng “Hầu hết các tác phẩm nổi tiếng về chiêm tinh học ngày nay thậm chí còn không cố gắng để biện hộ cho nó, mà chỉ đơn thuần dạy người đọc làm thế nào để sử dụng nó” (tr.39). Tương tự, Nias & Dean (1986) lưu ý “không ai nên nên ngạc nhiên khi biết rằng những điều khó khăn nhất để tìm thấy trong chiêm tinh là dữ kiện cụ thể” (tr.357). Nhưng nếu bạn biết phải nhìn vào đâu thì chắc chúng sẽ được tìm ra.
Trước năm 1950 tồn tại rất ít nghiên cứu khoa học về chiêm tinh. Hầu hết các bài phê bình về chiêm tinh qua nhiều thế kỷ tập trung vào bản chất gây tranh cãi của lý thuyết chiêm tinh, hoặc khoảng cách giữa nhận định của các chiêm tinh gia với hiệu suất thực tế của họ (Long 1982). Những thứ như hàng chục tài liệu thống kê chuyên đề bởi các chiêm tinh gia xuất hiện kể từ năm 1900, đặc biệt là ở Pháp, Đức, Anh và Mỹ, nhưng không ai được biết đến rộng rãi, trong mọi trường hợp thì phương pháp luận của họ đều quá nghèo nàn (cụ thể là không có định hướng) để cho ra được những kết quả đúng trọng tâm. Không ngạc nhiên gì khi số ít những bài phê bình được xuất bản lại bị hạn chế phần lớn về khảo sát lịch sử (cụ thể là Thomen 1938, Bok & Mayall 1941; Eisler 1946). Bài phê bình mang tính khoa học duy nhất được xuất bản rộng rãi là của nhà thiên văn học người Pháp Paul Couderc (1951/1974).
Sau đó vào năm 1955, Michel Gauquelin xuất bản bước ngoặt của mình “L’Influence des Astres”, nghiên cứu nghiêm túc đầu tiên về nhận định chiêm tinh học, với kết quả nhìn chung là tiêu cực nhưng lại được xem là một ngoại lệ đầy tính khiêu khích (Gauquelin 1955). Nghiên cứu lôi cuốn đến mức Dean và Mather cảm thấy được khuyến khích và dẫn đến sự thành lập năm 1981 của Correlation, một tạp chí bình duyệt quốc tế dành hoàn toàn cho các nghiên cứu khoa học đối với chiêm tinh, theo sau đó năm 1982 là Astro-Psychological Problems, nghiêng về sự quan tâm của Gauquelin.
Sự ra đời của máy vi tính vào cuối năm 1970 đã cách mạng hóa thực hành và nghiên cứu chiêm tinh. Tính toán một bản đồ sao gốc (cũng như những bản đồ sao bổ sung khác như progressions hay transits, vân vân) từng mất khoảng vài tiếng đến một ngày ở bất cứ nơi đâu; bây giờ có thể được thực hiện trong vòng vài giây, cho phép các nhà nghiên cứu thực hành những thứ mà trước đây họ không thể nghĩ đến.
Hiện nay có một nghiên cứu trên cơ sở học thuật với phạm vi bao phủ hầu hết những nhận định cơ bản của chiêm tinh học. Ngay cả cung mặt trời cũng được đưa vào thử nghiệm (Dean & Mather 2000). Nghiên cứu này được thực hiện bởi 200 năm nghiên cứu* và cho ra kết quả thống nhất là tiêu cực (Dean, Mather và Kelly 1996). Thật không may, phần lớn công trình này đều không được biết đến rộng rãi hoặc không dễ dàng truy cập được.
*Cách tính thời gian nghiên cứu của những nhà khoa học. Ví dụ, một công trình được tham gia bởi 1000 người trong 1 năm sẽ được tính thành 1000 năm.
Những bài nhận định chiêm tinh học được tìm thấy trong nghiên cứu sau năm 1980, bao gồm những tác phẩm của nhà tâm lý học Eysenck & Nias (1982), nhà thiên văn học Culver & Ianna (1988), Crowe (1990), những người theo chủ nghĩa hoài nghi Martens & Trachet (1998), học giả về Kinh thánh Ankerberg & Weldon (1989) và Bourque (1997). Những bài nhận định gần đây nhất và là những bài đầu tiên bao gồm phương pháp phân tích tổng hợp là của những tác giả như Kelly, Dean & Saklofske (1990) và Dean, Mather & Kelly (1996). Nhận định về phương diện triết học, tôn giáo, và xã hội của chiêm tinh học bao gồm Kelly & Krutzen (1983), Leahey & Leahey (1983), Thagard (1980), Kanitscheider (1991), Dean (1992), Dean & Loptson (1996), Kelly (1998), và Spencer (2000).
Xem xét về những cuộc tranh luận của chiêm tinh gia, có Kelly, Culver & Loptson (1989), Dean, Mather & Kelly (1996), Dean (1997), và Kelly (1999, 2000). Học thuyết của chiêm tinh học (bao gồm thuyết đồng phương tương tính của Jung) đã được kiểm nghiệm trong các bài nhận định của Dean, Loptson & Kelly (1996) và Dean, Ertel, Kelly, Mather & Smit (2000). Thuật lại công trình của Gauquelin bao gồm Gauquelin (1983 1988), Ertel (1992) và Dean (2000), để biết thêm những bài tường thuật mới nhất, có thể xem tại trang web của Gauquelin. Những định kiến về nhận thức và kinh nghiệm ẩn nấp sau niềm tin về chiêm tinh được xem xét một cách ngắn gọn bởi Dean (1992) hoặc chi tiết hơn bởi Dean, Kelly, Saklofske & Furnham (1992), và Dean, Kelly & Mather (1999).
Những lý do tâm lý-xã hội cho niềm tin vào chiêm tinh học được miêu tả bởi Durant và Bauer (1997), Lindeman (1998), chiêm tinh học cùng với các hiện tượng siêu nhiên khác bởi Goode (2000b). Những bài nhận định gần đây về sự huyền bí, bao gồm chiêm tinh học, có thể được tìm thấy bởi Couttie (1988), Hines (1988) và Neher (1990). Cũng có một nền văn học phong phú và tiếp diễn về lịch sử của chiêm tinh học, ví dụ như chiêm tinh học cổ đại (Baigent 1994; Barton 1994; Stewart 1996), chiêm tinh học thời trung cổ (Kemp 1990), chiêm tinh học trước thế kỷ 19 (Tester năm 1987, Spencer 1997), và chiêm tinh học ở thế kỷ 19 (Curry 1992). Gần đây tạp chí học thuật Culture and Cosmos với Nick Campion là người biên tập cũng là một đóng góp quan trọng đến lịch sử chiêm tinh trên thế giới.
Kể từ giữa những năm 1970, những tạp chí tâm lý học có trung bình hai nghiên cứu thực nghiệm mỗi năm về các nhận định chiêm tinh, cùng với một số lượng tương đương dành cho các chủ đề liên quan như việc chấp nhận các phát biểu của chiêm tinh, hay sự thịnh hành của niềm tin vào chiêm tinh học, tất cả chúng đều được truy cập dễ dàng qua PsycLIT, cơ sở dữ liệu mềm của Hiệp hội Tâm lý học Mỹ (American Psychological Association). Nhưng đối với mỗi nghiên cứu thực nghiệm như vậy có ít nhất là bốn bài báo chất lượng tương đương trong các tạp chí không thể truy cập thông qua PsycLIT. May mắn thay, hầu hết các nghiên cứu lớn được liệt kê ở trên bao quát được nguồn thông tin rộng lớn này. Mặt khác, các bài nhận định chung quy đã quan tâm nhiều hơn tới kết quả thực nghiệm so với ví dụ kiểu mẫu và tranh luận về khái niệm. Bài viết này tập trung vào vế sau, và quy họp lại những chất liệu rời rạc trước đó.
Chiêm tinh học cổ điển (truyền thống) gắn liền với sự dự đoán và liên quan cụ thể, những giả thiết có thể kiểm chứng về sự kết hợp của các hành tinh và hoạt động của con người (Barton 1994: French 1996: Genuth 1997; Grafton 1998). Đến thế kỉ 20, các chiêm tinh gia đã cho rằng kết nối của những vì sao chủ yếu phản ánh hành vi bên ngoài của con người, nhưng ngày nay trong các hội nhóm chiêm tinh gia tâm lý có sức ảnh hưởng, xuất hiện xu hướng xem trọng các nguyên mẫu của Jung và những cấu trúc ẩn dưới tính cách (thường là phân tâm học). Để đánh giá rõ những thay đổi này, đầu tiên hãy xem xét quan điểm của Charles Carter, chiêm tinh gia người Anh hàng đầu vào giữa thế kỉ 20:
Những trải nghiệm thực tế sẽ sớm thuyết phục những người hoài nghi nhất rằng những thiên thể của hệ mặt trời, nếu nó không thực sự tạo ra, thì cũng chỉ ra thay đổi trong: (1) tâm trí của chúng ta. (2) Cảm xúc và cảm giác của chúng ta. (3) Thể xác của chúng ta. (4) Những sự kiện bên ngoài và mối quan hệ của chúng ta với thế giới xét theo diện rộng (1925, tr.14).
Mặc dù mỗi bản đồ sao đều khác nhau, và có nhiều yếu tố chiêm tinh phải được xem xét (thường là với sự mâu thuẫn lẫn nhau), nhưng có một điều đã được thừa nhận, đó là tồn tại một điểm chung quan sát được và có tương quan cụ thể, được biểu hiện bởi những cá nhân có một sự kết hợp nhất định của các hành tinh trong bản đồ sao. Cũng như nhà tâm lý học Hà Lan Jan van Rooij đã chỉ ra:
Nếu lấy ra 100 người có mặt trời ở cung Bạch Dương, họ phải có một điểm tương đồng, không tính đến những yếu tố chiêm tinh khác. Và sự tương đồng này phải khác biệt với sự tương đồng được rút ra từ 100 người khác có mặt trời ở cung Kim Ngưu, khi vẫn không tính đến những yếu tố chiêm tinh khác.
Trên cơ sở này, chúng ta không nên mong đợi sự ảnh hưởng của một yếu tố đặc biệt trên một người cụ thể. Nhưng kiểm nghiệm trên những nhóm người sẽ cho phép những sự tương đồng được phát hiện, nếu chúng tồn tại.
Ngược lại quan điểm trên của các nhà tâm lý và nhà chiêm tinh học, Tiến sĩ Glenn Perry, một trong những người đề xướng chiêm tinh tâm lý hiện đại (còn gọi là chiêm tinh tâm lý và chiêm tinh cổ mẫu) tại Mỹ, tuyên bố:
Chiêm tinh học không giải quyết những gì có thể đo lường một cách khách quan … những bản đồ sao [gốc] mô tả cấu trúc và động lực của ý thức … [nó] chuyển đổi trọng tâm từ việc dự đoán kết quả sang diễn giải ý nghĩa của kết quả tương ứng với đời sống nội tâm của một người (năm 1993, tr.7,8,9).
Hơn nữa, “chiêm tinh học chỉ đóng một vai trò về mặt tinh thần và không thể hiện bản thân một cách nhất quán hoặc có hệ thống trong các sự kiện và hành vi” (Terpstra 1994, tr.42). Ở đây, sự kết nối trực tiếp của Carter với các hành động và các sự kiện bên ngoài được giảm nhẹ. Thay vào đó điểm mấu chốt chính là cấu trúc lý thuyết của tâm lý mới thật sự kết nối một cách biểu tượng với các hành tinh. Ghi chú 2
Trong nửa sau của thế kỷ 20, nhiều chiêm tinh gia nghĩ rằng các phát minh khoa học có thể củng cố nhiều nhận định của chiêm tinh. Kể từ những năm 1950, nhiều nghiên cứu đã được tiến hành bởi các chiêm tinh gia và các nhà nghiên cứu đồng cảm với chiêm tinh học. Khung cảnh có được sau những cuộc nghiên cứu này, như đã chỉ ra, phần lớn là tin xấu cho chiêm tinh học. Nhưng những nghiên cứu tiêu cực, ngay cả khi chúng được tích luỹ dần, vẫn bị chối bỏ và chống đối theo nhiều cách bởi các chiêm tinh gia, như các ngôi sao chỉ ra xu hướng chứ không bắt buộc, hay chiêm tinh gia hoặc các phương pháp cũng không thể không có sai số, điều này cho phép họ duy trì niềm tin của mình vào chiêm tinh học bất kể bằng chứng chống đối hay phê bình nào (xem Kelly 1998).
Phản ứng với tin xấu trong đảng phái chiêm tinh bao gồm bỏ lơ nó, dịch chuyển trọng tâm bài viết, tháo lui vào hình ảnh ẩn dụ, viện dẫn đến sự tinh tế, trở nên giáo điều, đổ lỗi cho phương pháp sai, và giả định sự thật. Chi tiết hơn về các chiến lược ấy như sau:
Trước hết, tin xấu và kết quả không mong muốn có thể bị bỏ qua hoặc xem nhẹ. Như chiêm tinh gia Robert Hands nói, “Kết quả tích cực trong nghiên cứu khoa học về chiêm tinh phải được nhìn nhận một cách nghiêm túc và không thể chối cãi, nhưng kết quả tiêu cực thì không quá nghiêm trọng như thế” (trích trong Perry 1995a, tr.37). Nhìn chung, đây là phản ứng chủ yếu bởi cộng đồng chiêm tinh.
Lấy ví dụ, thứ đáng xấu hổ này được thực hiện bởi John Anthony West trong The Case for Astrology (1991), nơi ông nói “Vì mục đích của cuốn sách này là trình bày những bằng chứng tích cực, chi tiết rõ rằng về số lượng lớn các bằng chứng tiêu cực không nằm trong sự quan tâm của chúng tôi” (tr.234). Nhưng gần như tất cả các bằng chứng về nhận định chiêm tinh là tiêu cực hoặc không thích đáng, vậy nên việc lấp liếm cố tình của West là vô trách nhiệm (Dean 1993). Chuyến ghé thăm bất kỳ nhà sách chiêm tinh nào cũng sẽ nhanh chóng xác nhận rằng nghiên cứu về chiêm tinh rất hiếm khi được trích dẫn và nếu có, nó thường chỉ bao gồm một giới thiệu méo mó về những phát hiện của Gauquelin (Kelly & Saklofske 1994) Ghi chú 3 và một sự tín nhiệm đã lỗi thời cùng diễn giải sai lệch về nghiên cứu cáo buộc những ảnh hưởng của mặt trăng lên hành vi của con người (xem Kelly năm 2000, phân tích về nhận thức sai lầm của các chiêm tinh gia trong nghiên cứu về mặt trăng, và Kelly, Rotton & Culver năm 1996 cho một nhận định gần đây trong nghiên cứu về ảnh hưởng của mặt trăng). Ghi chú 4
Những bài phê bình và bài viết dài dòng nghiêm trọng vô quy tắc đều có thể được giải quyết bằng một cái vẫy tay theo hướng khác cùng một suy đoán được nâng tầm tới trình độ vị lai. Lấy ví dụ như, một vấn đề nghiêm trọng trong chiêm tinh chính là sự phân chia khác biệt giữa vòng hoàng đạo Thiên văn phương Đông và vòng hoàng đạo Nhiệt đới phương Tây. Hai vòng hoàng đạo này hiện tại lệch nhau khoảng một cung. Một người có thể là Bạch Dương ở phía Bắc Mỹ nhưng lại là Song Ngư ở Ấn Độ (Cornelius, Hyde & Webster 1995, tr.31). Mâu thuẫn giữa hai vòng hoàng đạo này có phải là vấn đề đối với chiêm tinh? Cornelius cùng cộng sự nói với chúng ta rằng điều này có thể xảy ra vì đây là “hai hệ thống tác động khác biệt nhau, một từ chòm sao và một từ chu kỳ trái đất-mặt trời”, hoặc cách khác, chúng ta có thể xem “cả hai vòng hoàng đạo là hai phản ánh của cùng một hình thức biểu tượng… [rằng] cả hai đều thể hiện theo cách riêng của chúng” (tr.32). Sự rối rắm “hệ thống tác động” và “những phản ánh … thể hiện theo cách riêng của chúng” không được làm sáng tỏ ở bất kỳ đâu, do đó sau khi được nói thêm điều này chúng ta cũng không hiểu rõ hơn chút nào so với trước khi chúng ta chưa được nói. Ghi chú 5
Còn những người được sinh ra cùng một lúc và có số phận khác nhau? Điều này đã từ lâu là một chuẩn mực để tranh cãi trong chiêm tinh học. Các chiêm tinh gia cùng nói với chúng ta: “Bản đồ sao đơn lẻ [có thể] được đọc như là một dấu hiệu cho những cặp sinh đôi với những nhóm các hành tinh miêu tả hai cá thể… khi mà thông thường một trong cặp sinh đôi phản ứng với mặt trời và cá nhân còn lại phản ứng với mặt trăng trong cùng một bản đồ sao” (Cornelius cùng cộng sự 1995, tr.131). Tại đây thuật ngữ “thông thường” chỉ sự thiên hướng chứ không phải bắt buộc, để tránh trường hợp phủ nhận. Ghi chú 6 Chúng ta cũng được phép hỏi rằng cá nhân nào sẽ phản ứng với mặt trăng và cá nhân nào sẽ phản ứng với mặt trời, nhưng không có câu trả lời nào giải đáp. Ghi chú 7
Nếu chiêm tinh không hiệu quả, Cornelius cùng cộng sự nhắc nhở chúng ta rằng chúng ta luôn luôn có thể diễn giải biểu tượng chiêm tinh theo một lối ẩn dụ, ví dụ, “Sigmund Freud đã được sinh ra ở một châu lục khác nhưng chỉ chênh lệch vài phút với giờ sinh của Robert Perry (nguyên văn) Freud khám phá ra vô thức và Perry (nguyên văn) khám phá ra Bắc Cực” (tr.131, đồng thời xem tr.96). Do đó, những người sinh cùng giờ khắc này đều là những nhà khám phá! Ghi chú 8 Nếu diễn giải bao gồm cả nghĩa cụ thể và nghĩa trừu tượng (kể cả hình ảnh ẩn dụ) và cả hai đều chấp nhận được như nhau trong một nhận định chiêm tinh, thì chúng ta không thể không tìm thấy được sự tương đồng nào giữa bản đồ sao và chủ nhân của nó. Về mặt tích cực của điều này, bạn không bao giờ phải thừa nhận rằng mình đã sai, về mặt tiêu cực, những gì được báo trước thật sự rất là ít ỏi.
Cách phản ứng phổ biến thứ tư chính là nói rằng sự việc mà chiêm tinh giải quyết đến thật sự rất tinh tế và khó nắm bắt, và những gì cần thiết chính là nhiều cách sáng tạo hơn để dò xét chúng. Lấy ví dụ, ngay cả một nghiên cứu lớn trên nhiều cá thể đưa đến quan điểm rằng cung mặt trời không có giá trị (Dean & Mather 2000), chiêm tinh gia Harvey vẫn có thể nói “Điều đó là hoàn toàn chính xác khi vào lúc đó chưa có sự có mặt của cung và nhà… (1982, tr.47, in nghiêng của Harvey) và 12 năm sau, sau khi nhận biết được thậm chí một khối lượng lớn hơn các nghiên cứu mang kết quả tiêu cực, Harvey nói “Cá nhân tôi vẫn tin rằng, khi thực hiện nhiều cuộc thí nghiệm tinh tế và sáng tạo hơn, thì sự xác thực của cung mặt trời, hay cung hoàng đạo nói chung, sẽ được kiểm chứng” (1994, trang v) Ghi chú 9
Tương tự, sau khi tìm thấy không có mối quan hệ nào giữa rối loạn định dạng giới tính và các yếu tố chiêm tinh, Anderson (1997) cho rằng “Ở môt chừng mực nào đó phải tồn tại những dấu hiệu chiêm tinh ước đoán rằng sẽ đến lúc trong cuộc đời của một người xảy ra những biến động mang tính phá huỷ này” (tr.106, in nghiêng của tôi). Vì phản biện những trường hợp như thế này là khó khăn, luận điểm đó có thể được duy trì vô thời hạn.
Một vấn đề nữa chính là các chiêm tinh gia với những luận điểm về lý thuyết căn bản không tương đồng nhau có thể chọn một thái độ giáo điều như nhau về niềm tin riêng của họ. Dùng một điệu bộ như thế để đối diện với những bằng chứng tiêu cực hứa hẹn một hệ thống chiêm tinh bất động không phát triển. Nhà thiên văn học Culver & Ianna (1998) nhìn nhận, tình hình này lan tràn khắp các chiêm tinh gia đến nỗi họ mệnh danh chiêm tinh học là “hội chứng Song Tử”, việc sử dụng một cách tự tin những lời tuyên bố rành rành mâu thuẫn, như bản chất hai mặt của cung Song Tử. Nếu các nhà khoa học sử dụng thái độ tương tự để đối diện với những nghiên cứu tiêu cực hoặc tranh cãi, khoa học vật lý vẫn sẽ là tôn đồ của Aristotle.
Việc cần thiết những kiểm nghiệm nhạy cảm hơn cũng mâu thuẫn với sự giả định dễ dàng khi những liên kết chiêm tinh đầu tiên được công nhận. Như Perry (1993) nói với chúng ta về thời cổ đại, “với bất kỳ ai cố gắng nghiên cứu nghiêm túc môn học này, có một sự khiếm khuyết rõ ràng với bản thân họ khi không thể vẹn toàn chứng minh giá trị của chiêm tinh học” (tr.3). Sự mâu thuẫn này cần có một lời giải thích. Hơn thế nữa, theo dòng lịch sử của tư tưởng, viện đến sự hiển nhiên trong thân tâm không phải là một chỉ dẫn đúng đắn để đến với chân lý.
Cuối cùng, một người có thể nói rằng, nếu những nhà nghiên cứu có trong tay các kết quả tiêu cực, thì chắc hẳn họ đã thực hiện sai cách. Họ đã sử dụng sai phương pháp, sai mô hình hoặc sai cả hai. Cách tiếp cận này ngày càng được dùng nhiều bởi các chiêm tinh gia kể từ năm 1950, khi những nghiên cứu (thường là có kết quả xấu) đã được thực hiện. Ví dụ, West (1991, 1996), dám chắc rằng những phê bình khoa học của chiêm tinh là không thích đáng bởi lẽ chiêm tinh là “một hệ thống huyền học” (tr.223), và huyền diệu ở chỗ nó là “nỗ lực thấu suốt những quy luật cơ bản của cộng hưởng – những quy luật đã tạo ra vũ trụ” (tr.220). Ông ta thẳng thừng một cách không thích đáng về “hệ thống huyền học” và chúng ta bị bỏ ngỏ với chồng chất những nhận định thiếu sáng sủa về “khả năng sáng tạo của tự nhiên”, hay “quy luật hài hoà” và những chứng dẫn đến “sự thông thái cổ xưa”. West (1991, tr.222-223) quy những biểu hiện trừu tượng, được nghiên cứu bởi các chiêm tinh gia, của các hành tinh lên trần thế là những ảnh hưởng qua lại của các dao động được thấu hiểu một cách nghèo nàn trong từ trường vật lý xung quanh các hành tinh, thậm chí với một sự hiểu biết nông kém, lý thuyết suông và lỏng lẻo hơn cả chúng tôi. Ông ta nói:
Chỉ có Heka, Thần diệu, Quy luật tương xứng mới thấy được Sự truyền cảm Thiêng liêng (Ý chí hay Dự định), được biểu lộ trong các hành tinh và chuyển giao bản thân nó … trong những tần số và biên độ tinh vi để dò tìm. Điều này đồng thời sản sinh ra dao động trong những trường điện tử hoặc địa từ … tuy nhiên đến nay vẫn chưa được thấu suốt rõ ràng hoặc nêu danh cụ thể mặc dù sự tồn tại của chúng đã được công nhận. Những dao động này thuộc vật chất theo khía cạnh chúng trực tiếp tương đồng với dao động trong không khí, với sóng âm thanh được tai người phân tích như âm nhạc, hoặc như mắt phân tích các sắc màu. Trong trường hợp này, những dao động trên tượng trưng cho bản hoà âm của bầu trời, và chúng biểu hiện trên mặt đất bằng “ý nghĩa”. Nghiên cứu ý nghĩa này chính là khái niệm của chiêm tinh học.
Sự “trực tiếp tương đồng” của West giữa việc nghe thấy, nhìn thấy và ý nghĩa của chiêm tinh có một lỗ hổng sâu sắc. Sự bất nhất giữa hai thứ được đem ra so sánh quan trọng hơn bất kỳ sự tương đồng nào. Chúng tôi có một lượng kiến thức lớn về âm thanh và sóng màu. Lấy ví dụ, chúng tôi biết về sự liên quan của cơ quan cảm thụ, và vùng não kết nối với những cảm giác đó. Mặt khác, chúng tôi không hiểu cụm “dao động tượng trương cho bản hoà âm của bầu trời” có nghĩa gì, chúng tôi cũng không xác định được phương pháp tin cậy để phân biệt những dao động khác nhau giữa hành tinh và tiểu hành tinh, chưa kể đến việc hiểu được những tần số và dao động liên hệ đến hành tinh trong giả thiết như thế nào, hay xác định cơ quan cảm thụ nào có liên quan.
Ngoài ra, trong khi chúng tôi có vài hiểu biết về việc làm thế nào để sóng âm liên hệ được với cao độ và được phân tích như âm nhạc, chúng tôi không có được sự hiểu biết tương tự về việc làm thế nào để phân tích một cách xác thực hoặc xác định những dao động trên như là mô tả cho đời sống tình yêu, hoặc tình trạng tài chính, huống hồ chi là dự đoán tương lai, hoặc làm thế nào để những “hoà âm bầu trời” đó có thể dẫn đến nhận định ớt Cayenne tương ứng với sao Hoả. Hơn thế nữa, trong khi khả năng của các giác quan giữa con người là khác nhau, và chúng suy giảm theo tuổi tác, không có điều tương tự với việc con người có độ nhạy khác nhau tới những tác động chiêm tinh, hay phản ứng của chúng ta tới ảnh hưởng của chiêm tinh cũng giảm dần theo tuổi đời. Như Evans (1994) chỉ ra trong hệ thống của West:
Hệ thống thần diệu là một hệ thống kín. Chúng ta được mời đến để tin tưởng rằng nó là chân lý, không phải vì nó kết nối với những thứ đã được kiểm nghiệm là sự thật, mà bởi một vài chân lý cố hữu của nó nắm được sự thật, như sao Thổ tượng trưng cho sự hạn chế trong khi sao Mộc tượng trưng cho sự mở rộng (tr.413).
Trong khi đó, nhìn chung, các chiêm tinh gia cho ra ấn tượng rằng những nhận định về cung, nhà, góc hợp, và những điều tương tự là những nhận định theo chủ nghĩa kinh nghiệm (tức là, những nhận định có thể bị chối bỏ hoặc bị điều chỉnh bởi nghiên cứu hoặc lý thuyết), với hầu hết các chiêm tinh gia những nhận định như thế này thực sự hoạt động như những nhận định tất yếu chính xác (Kelly 1998). Sự đúng đắn trong lý thuyết cốt lõi của chiêm tinh không bao giờ tự nghi ngại bản thân nó. Ghi chú 10
Ở đây tôi kiểm nghiệm trên ba tư tưởng cơ bản của chiêm tinh học, cụ thể là thiên địa đồng nhất, khái niệm vạn vật tương liên, và chỉ duy nhất toàn thể bản đồ sao mới đầy đủ ý nghĩa. Tôi sẽ xem xét lần lượt từng vấn đề. Các tư tưởng khác như bản đồ sao thực sự chỉ ra điều gì, sẽ được bàn đến sau.
Mối quan hệ mơ hồ như thiên địa đồng nhất được mặc nhận bởi các chiêm tinh gia giữa bầu trời và các hiện tượng trần thế là mối quan hệ tương quan, không phải quan hệ nhân quả. Như cựu chiêm tinh gia Joanna Ashmun (1998, tr.6) đã chỉ ra:
Quan điểm cốt lõi của chiêm tinh là trên sao thì dưới vậy. Nó đã được xây dựng để hàm chứa rất nhiều ý nghĩa, phần lớn trong số đó là xuẩn ngốc, nhưng ý nghĩa cơ bản của nó là hình mẫu trên trời được phản ánh lại trong mỗi cá nhân, như bản đồ sao phần nào đó được thấm nhuần trong một cá thể. Đơn giản là nó giả định rằng có một sự đồng nhất giữa bản đồ sao gốc và chủ nhân của bản đồ sao đó.
Quan niệm trên sao dưới vậy được dựa vào lời phát biểu trong một tài liệu giả kim nổi tiếng Bảng Ngọc Bích (Emerald Tablet), có từ thế kỉ 9. Phát biểu trên được cho là thể hiện sự đồng nhất vũ trụ giữa thứ vi mô và thứ vĩ mô, cốt lõi của chiêm tinh học, nhưng oái oăm thay, nó là bản dịch sai của bản tiếng Ả-rập trước đó và không hề có liên hệ gì với vũ trụ đồng nhất. Theo Merkur (1990), phát biểu gốc được bắt nguồn giữa các nhà giả kim và liên quan đến việc chưng cất. Bản gốc tiếng Ả-rập là “Những gì ở trên được tạo thành từ những gì ở dưới, và những gì ở dưới được khởi nguồn từ những gì ở trên” (tr.36), có nghĩa rằng những gì chưng cất ở trên được tạo thành từ dung dịch được đun nóng ở dưới, ngay lúc đó nó cô đọng lại và trở về phía dưới một lần nữa. Về cơ sở này quan điểm cốt lõi được phỏng đoán là siêu việt của chiêm tinh thật ra lại là vật lý thuần tuý!
Chiêm tinh học truyền thống thường chứa chấp quan điểm rằng mối quan hệ giữa trời và (sự việc ở) đất mang tính nhân quả. Như Placidus đã nói vào năm 1657, “Việc cho rằng các căn nguyên trên trời có khả năng ảnh hưởng đến các thể xác trần gian là điều bất khả (trong khi chúng cách rất xa những thứ ở mặt đất), trừ khi thông qua môi trường trung gian hoặc thiết bị ảo … phương tiện gây ra căn nguyên của các vì sao chính là ánh sáng”, và “những vì sao, khi chúng không hiện lên, là khi chúng không hoạt động”, vậy thì các chiêm tinh gia nên “loại bỏ những ảnh hưởng huyền bí bởi chúng không cần thiết, và hơn thế nữa, không có tính khả thi” (tr.1,3).
Hầu hết các chiêm tinh gia hiện đại loại bỏ phương pháp tiếp cận nhân quả này Ghi chú 11. Perry (1994) cho chúng ta biết mối quan hệ giữa một người và bản đồ sao của người đó chỉ là mối quan hệ tương quan. Những thiên thể thiên văn phản ánh trải nghiệm đời sống con người phần nào giống như một chiếc gương phản chiếu một cảnh trí cần được phân tích. Nhưng có nhiều bất đồng về việc thiên thể nào thì thích đáng để phân tích, và phân tích ra sao.
Trong thực tế, dù cho một chiêm tinh gia có nhận định như thế nào, thì việc dò tìm các tài liệu luôn luôn sẽ cho ra một nhận định mâu thuẫn bởi các hội nhóm chiêm tinh gia khác. Không giống như tranh luận trong khoa học, khó mà biết được những cuộc tranh luận trong chiêm tinh có thể được giải quyết như thế nào, dù là về mặt nguyên tắc. Sự bất đồng này tồn tại ngay cả ở trình độ cơ bản nhất trong cộng đồng chiêm tinh, ví dụ như chiêm tinh gia phương Tây bất đồng với chiêm tinh gia phương Đông về cung hoàng đạo và số lượng hành tinh cần sử dụng. Trong khi chiêm tinh gia Ấn sử dụng những chòm sao thực tế trong bản đồ sao của họ, vòng hoàng đạo của phương Tây lại không phụ thuộc vào chòm sao. Những hệ thống như vậy xung khắc lẫn nhau, tuy nhiên vẫn được nhìn nhận là hoàn toàn chuẩn mực bởi những người sử dụng chúng.
Cung và nhà trong chiêm tinh đầy những trúc trắc và không có một quy tắc nào được thoả thuận để cân nhắc ảnh hưởng của chúng. Lấy ví dụ, chiêm tinh gia Prudence Jones (1996, tr.282) cho biết:
[Cung hoàng đạo] đang nằm trên một nền tảng lung lay từ quan điểm của góc nhìn hiện đại. Làm thế nào mà trên bầu trời chia đều mười hai phần 30 độ trong mặt phẳng hoàng đạo, đo từ điểm xuân phân nhưng lại được đặt tên theo một chòm sao giờ-đã-cách-xa-nó, phân bổ bất kỳ tính chất nào nó có đến hành tinh, nhà, các điểm số mệnh Ả-rập và giao điểm của mặt trăng, trong khi chúng ta nhìn nhận những thành phần này mà không kể đến phông nền phía sau của chúng? Liệu họ có thật sự làm như vậy không, hay đây chỉ là một suy nghĩ trong ao ước? Vài chiêm tinh gia giải nghĩa cung hoàng đạo (cho mặt trời trong một cung là bản mẫu của cung hoàng đạo đó, thường không đi kèm với giải thích) như là bản tóm tắt cho tính cách của từng mùa. Nhưng điều này cũng ngụ ý rằng, trật tự mùa của họ nên đảo ngược lại ở bán cầu Nam, mà điều này hiếm khi xảy ra. Và sẽ như thế nào trong những trường hợp gần xích đạo, nơi khác biệt mùa màng là không đáng kể, dĩ nhiên là trừ nơi chiêm tinh học được sáng tạo ra?
Mặc dù vòng hoàng đạo phương Tây đã mất đi liên hệ của nó với bầu trời nguyên thuỷ (và không thể được tối giản như là ảnh hưởng theo mùa), những người sinh ra với cung hoàng đạo phương Tây vẫn được cho là có thể hiện những tính cách liên quan đến chòm sao gốc. Cung hoàng đạo thiên văn có cùng ý nghĩa với cung hoàng đạo nhiệt đới, cụ thể như Bạch Dương trong cả hai hệ thống đều hiếu chiến, nhưng ý nghĩa này lại không thể được áp dụng trên cùng một khoảng trời. Vậy nên một mặt có thể tin rằng có một khoảng trời nhất định mang ý nghĩa cảm xúc mạnh mẽ, trong khi mặt khác khoảng trời này mang ý nghĩa thanh thản, không lo nghĩ (Thiên Yết với Thiên Bình).
Điều tương tự cũng xảy ra với quan niệm chiêm tinh về các nhà. Ý nghĩa của chúng trong các hệ thống đều như nhau, nhưng vì ranh giới của chúng có thể thay đổi, ý nghĩa của một khoảng trời nhất định lại phụ thuộc vào hệ thống nhà được sử dụng. Các hệ thống nhà có thể khác nhau về việc đánh số, sự nối tiếp, phương pháp phân chia, và cách diễn giải (Dean & Mather 1977; Martens & Trachet 1998). Hơn nữa, vài hệ thống nhà (bao gồm cả Placidus thịnh hành) đều bị đứt quãng ở nơi có vĩ độ cao. Ở nơi đấy, vài phần trong vòng hoàng đạo không bao giờ thấy được mặt trời mọc hay lặn, những hệ thống nhà bị tác động sẽ có những đỉnh nhà hoặc hành tinh rơi vào những khu vực như thế và không được hiển thị trong bản đồ sao, vậy nên về mặt tác động chúng không hiện hữu.
Các chiêm tinh gia phương Tây cũng khác biệt nhau trong việc sử dụng bao nhiêu hành tinh, vài người sử dụng những hành tinh chưa được phát hiện về mặt giả thiết, vài người sử dụng tiểu hành tinh (Dean & Mather 1977). Diễn giải tốt/xấu về các transits cũng song hành với quan niệm transits là cơ hội để học hỏi và phát triển. Sự đa dạng ngay từ nguyên tắc cơ bản đã đặt căn cứ cho chúng ta hoài nghi về nhận định rằng các chiêm tinh gia đang nói về một thứ mà họ thật sự thấu suốt. Chiêm tinh học, theo nhiều nghĩa khác nhau, đã tồn tại trong khoảng ít nhất 250 năm. Vào khởi đầu của thiên niên kỉ, chiêm tinh học đang trong giai đoạn nhiễu nhương với sự gia tăng thừa thãi của những nhận định trái chiều và thiếu vắng sự đồng thuận về việc làm cách nào để cân chỉnh chúng Ghi chú 12 Những nhận định ngày càng biến đổi và mâu thuẫn trong lúc các chiêm tinh gia (cuối cùng cũng) chú ý đến những gì nghiên cứu tìm thấy và thoái lui vào đồng cỏ an toàn hơn.
Bình luận